Cuối đời góa phụ Cẩn_phi

Cẩn Quý phi những năm tuổi già.

Năm Quang Tự thứ 34 (1908), sau khi Quang Tự Đế giá băng, Từ Hi Thái hậu chọn Phổ Nghi làm Tân hoàng đế, Hoàng hậu Diệp Hách Na Lạp thị được tôn làm Hoàng thái hậu, tức Long Dụ Hoàng thái hậu. Ngày 25 tháng 10 (âm lịch), Cẩn phi cùng các góa phụ phi tần trong cung đồng loạt tấn phong thêm một bậc, bà được phong Cẩn Quý phi (瑾貴妃)[6].

Phổ Nghi bấy giờ chỉ mới 2 tuổi 10 tháng, Long Dụ Thái hậu có ảnh hưởng nhiếp chính cùng Thuần Thân vương Tải Phong, cha ruột của Tuyên Thống Đế Phổ Nghi và Viên Thế Khải. Phổ Nghi vào cung 6 năm liền không được gặp mẹ, phải nhận Long Dụ Thái hậu làm Dưỡng mẫu, và Long Dụ Thái hậu với thân phận Mẫu hậu đã chịu trách nhiệm trông nom Phổ Nghi trong cung, cùng sự giúp đỡ của Cẩn Quý phi với 3 vị phi tần của Mục Tông Đồng Trị Đế, tức Hiến Triết Hoàng quý phi (khi đó gọi Du Hoàng quý phi), Cung Túc Hoàng quý phi (khi đó gọi Tuần Hoàng quý phi) và Đôn Huệ Hoàng quý phi (khi đó gọi Tấn Quý phi). Có ý kiến cho rằng, Long Dụ Thái hậu cùng Cẩn Quý phi quan hệ không mấy căng thẳng, thậm chí là khá tốt đẹp, có lẽ bởi vì trong nhóm Đức Tông góa phụ chỉ còn có bà cùng Thái hậu, luôn cùng nhau hỗ trợ lẫn nhau ảnh hưởng lên Hoàng đế trước sự cạnh tranh của phe Mục Tông góa phụ, đứng đầu là Du Hoàng quý phi.

Năm Tân Hợi, Tuyên Thống năm thứ 3 (1911), Cách mạng Tân Hợi diễn ra vào tháng 10. Ngày 25 tháng 12 (âm lịch), tức ngày 12 tháng 2 năm 1912, Long Dụ Thái hậu đã ký Thanh đế thoái vị chiếu thư (清帝退位詔書) theo một thỏa thuận do Viên Thế Khải làm môi giới trung gian với Triều đình ở Bắc Kinh và những người Cộng hòa ở Nam Trung Hoa, chính thức khiến nhà Thanh mất đi Đế vị.

Theo các "điều kiện ưu đãi của Hoàng đế nhà Thanh" (清帝退位優待條件), văn bản được ký với Trung Hoa Dân Quốc mới, Tuyên Thống Đế Phổ Nghi được giữ lại tước vị và được chính quyền Cộng hòa đối xử bằng nghị định thư được gán cho một Hoàng đế ngoại quốc. Ngoài ra, Phổ Nghi và triều đình được phép ở lại trong nửa phía Bắc Tử Cấm Thành (các cung riêng) cũng như ở trong Di Hòa Viên.